Bàn thờ tổ tiên là nơi trang nghiêm và linh thiêng nhất trong mỗi gia đình Việt. Đây là nơi con cháu trong gia đình tưởng nhớ đến người đã khuất, là nơi dâng hương vào mỗi dịp Lễ, Tết để tỏ lòng thành kính sâu sắc. Bởi vậy, mỗi một vật phẩm ở trên bàn thờ đều được lựa chọn cẩn thận và sắp xếp một cách chỉn chu nhất. Lư hương là sản phẩm không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên (với gia đình có phòng thờ lớn, thường là con trưởng/tộc trưởng). Cách đặt lư hương trên bàn thờ mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, ảnh hưởng trực tiếp tới tài vận của gia chủ.
Vậy đặt lư hương trên bàn thờ như thế nào để chuẩn về tâm linh và đúng về các nguyên tắc phong thủy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu điều đó qua bài viết này nhé.
Lư hương là gì?
Lư hương là đồ tế khí – linh khí dùng trong thờ cúng. Nguyên thủy, lư hương có kích thươc lớn, dùng để thắp hương trong các khu vực chung, rộng lớn như nhà thờ họ, đền chùa, tượng đài, … Tuy nhiên, hiện nay trong các hộ gia đình, lư hương với kích thước nhỏ thường được bày lên bàn thờ gia tiên để đốt trầm, giúp tăng thêm cát khí và thanh lọc bầu không khí.
Hiện nay, trên thị trường phổ biến 2 loại lư hương đó là lư hương bằng Đồng và lư hương làm bằng gốm sứ. Mỗi loại mang một nét đặc trưng riêng tuy nhiên đều sử dụng họa tiết đặc trưng của rồng và phượng. Tùy theo bản mệnh của gia chủ mà chúng ta chọn chất liệu lư hương nói riêng và các vật phẩm trên bàn thờ nói chung để phù hợp các yếu tố phong thủy ngũ hành.
Ý nghĩa của việc đặt lư hương lên bàn thờ gia tiên
Cũng như các vật phẩm trên bàn thờ gia tiên, lư hương mang trong mình nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
- Về thẩm mỹ: Lư hương thường được chế tác thủ công với họa tiết rồng phượng, con nghê, … chạm khắc nổi trên bề mặt, mang đến vẻ trang trọng, đẹp mắt cho khu vực thờ cúng. Mặt khác, điều này cũng thể hiện gia thế và quyền uy của gia đình/dòng họ.
- Về ý nghĩa tâm linh: Lư hương được làm bằng các vật liệu quý như đồng, gốm sứ đặc biệt, kết hợp với các vật phẩm khác trên bàn thờ gia tiên sẽ là cầu nối thông linh với những người đã khuất. Lư hương dùng để đốt trầm, giúp thanh lọc bầu không khí ở khu vực thờ cúng nói riêng và cả gia đình nói chung. Đốt trầm trong lư hương cũng có tác dụng làm tăng sự linh thiêng cho không gian thờ cúng. Theo một số truyền thuyết, lư hương cũng là nơi phù hợp nhất để linh hồn của những người đã khuất giáng ngự, sum vầy cùng cháu con trong các dịp Lễ Tết.
Phân biệt lư hương và bát hương
Lư hương và bát hương đều là đồ tế khí – linh khí, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong thờ cúng. Cả hai đều là cầu nối âm dương, là nơi giao thoa giữa người sống và những người đã khuất. Đây cũng là nơi chúng ta dâng hương thể hiện sự tôn kính, hướng về nguồn cội.
Nguyên thủy, lư hương và bát hương đều dùng để thắp hương, tuy nhiên chúng vẫn có sự khác biệt đáng kể.
- Lư hương thường có kích thước lớn, để thắp hương trong các không gian rộng như chùa, đền, tượng đài, nhà thờ họ, … trong khi bát hương dùng để thắp hương trên bàn thờ gia tiên của gia đình. Hiện nay, các gia đình thường bài trí lư hương trên bàn thờ gia tiên để đốt trầm, giúp thanh lọc không khí và tăng sự linh thiêng trong khu vực thờ cúng.
- Trên bàn thờ gia tiên, lư hương chỉ có 1, còn bát hương có 1, 3 hoặc 5 bát.
- Lư hương đặt sau bát hương, ở vị trí trung tâm. Một số truyền thuyết cho rằng lư hương là nơi các linh hồn đã khuất giáng ngự, thưởng hương của con cháu dâng lên trên bát hương.
Cách đặt lư hương trên bàn thờ chuẩn tâm linh, đúng phong thủy.
Đặt lư hương trên bàn thờ là một yếu tố rất quan trọng giúp mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Vị trí đặt lư hương chính xác cũng là một cách để bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên, tăng tính uy nghiêm của khu vực thờ cúng.
Thông thường, lư hương (hay còn gọi là đỉnh hương) được đặt ở chính giữa bàn thờ, phía sau bát hương lớn theo sơ đồ sau:
Như vậy, lư hương thường sẽ đi kèm theo đôi hạc thờ để tăng tính thẩm mỹ, giúp không gian thờ cúng thêm phần trang trọng và tinh tế.
Lư hương đặt ở phía sau bộ 3 bát hương thể hiện sự hòa hợp âm dương, giúp bàn thờ thêm cân đối và hài hòa. Từ đó mang lại bình an, tốt lành cho gia chủ.
Một số lưu ý cần biết khi đặt lư hương trên bàn thờ
Khi bài trí lư hương trên bàn thờ, gia chủ cần lưu ý những vấn đề sau để tránh phạm phải những sai lầm đáng tiếc ảnh hưởng đến tổ tiên cũng như gia đình và con cái.
- Bài trí lư hương đúng theo sơ đồ ở trên. (Đôi hạc không bắt buộc phải có, nhưng nếu gia chủ có điều kiện về tài chính thì nên mua trọn bộ). Không đặt lư hương trước bát hương vì sẽ gây bất tiện khi dâng hương cũng như ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của bàn thờ.
- Không xoay hay dịch chuyển vị trí của lư hương, và bát hương. Theo quan niệm người xưa, khi lư hương và bát hương bị dịch chuyển, âm phần sẽ bị ảnh hưởng, mạo phạm đến những người đã khuất, khiến tổ tiên trách tội. Thông thường trong năm sẽ có 1 ngày có thể thay tro, rút chân hương và dịch chuyển lư hương và bát hương đó là ngày 23 tháng chạp. Tuy nhiên, chúng ta cần thắp hương xin phép thần linh và tổ tiên trước khi di chuyển vị trí.
- Thường xuyên lau chùi bụi bám trên lư hương bằng khăn sạch. Khi lau chùi cần chú ý không làm dịch chuyển vị trí của lư hương.
Trên đây là những thông tin cần biết về lư hương và cách đặt lư hương trên bàn thờ theo đúng các nguyên tắc phong thủy và tâm linh. Hy vọng bài viết này sẽ có ích với bạn, để việc thờ cúng gia tiên được chu toàn nhất có thể.