Hướng dẫn cách trang trí bàn thờ gia tiên đẹp trong ngày Tết

Bàn thờ gia tiên là nơi trang trọng nhất trong mỗi gia đình. Đây là khu vực linh thiêng kết nối chúng ta với những người đã khuất. Vào những dịp đặc biệt như Lễ, Tết chúng ta thường có thói quen trang hoàng bàn thờ gia tiên để dọn dẹp những điều đã cũ, chào đón một năm mới với những điều bình an, tốt lành. Không chỉ lau chùi, vệ sinh đồ vật, cách trang trí bàn thờ gia tiên đẹp trong ngày Tết cũng là điều khiến chị em chúng mình vô cùng quan tâm. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu điều đó trong bài viết này nhé.

cách trang trí bàn thờ gia tiên đẹp

Cách trang trí bàn thờ gia tiên đẹp trong ngày Tết

Để trang hoàng bàn thờ gia tiên chu đáo vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, chúng ta sẽ tập trung vào 2 vấn đề chính đó là lau dọn bàn thờ và trang trí bàn thờ.

Lau dọn, vệ sinh bàn thờ

Hàng tháng, vào ngày rằm hoặc mùng 1, chúng ta đều có thể lau dọn bàn thờ và các vật dụng trên đó bằng khăn sạch. Tuy nhiên để “tổng vệ sinh”, thay tro bát hương hay trang hoàng thêm các vật dụng mới thì chúng ta chỉ nên thực hiện vào khoảng thời gian từ 23 đến 30 tháng Chạp. Theo truyền thuyết, đây là thời điểm các vị Thần Linh về trời báo cáo chuyện nhân gian, cho nên tổng vệ sinh trong thời điểm này sẽ không mạo phạm đến các vị.

Trước khi tiến hành hạ bát hương, lư hương và các vật dụng để lau chùi, chúng ta cần thắp hương xin phép các vị Thần Linh và gia tiên tiền tổ. Sau khi hương cháy hết chúng ta mới được phép tiến hành.

Gia chủ cần chuẩn bị khăn sạch, nước tẩy uế ngũ vị, gói tro cát mới (nếu muốn thay tro bát hương) và một chiếc bàn nhỏ trải khăn/giấy đỏ sạch để phơi khô các đồ vật. Khi đã có đủ vật dụng cần thiết, ta tiến hành theo các bước như sau.

  • Đầu tiên, chúng ta tiến hành hạ bài vị, khung ảnh và lau bằng khăn sạch thấm nước ấm theo thứ tự từ trên xuống dưới. Nếu có bài vị thần linh thì cần hạ và lau bài vị thần linh trước bằng khăn riêng, sau đó mới đến bài vị, khung ảnh của gia tiên.
  • Tiếp tục hạ bát hương, lư hương và các đồ vật thờ lâu ngày để lau dọn. Trong bước này, chúng ta sẽ tỉa hết chân hương cũ có trong bát hương, múc tro trong bát hương bằng từng thìa nhỏ bỏ vào hộp đã chuẩn bị từ trước.
  • Các vật dụng cần được lau chùi hoặc rửa bằng nước sạch, sau đó dùng khăn thấm nước ngũ vị để lau lại một lần nữa và để khô tự nhiên.
  • Tiếp tục lau dọn sạch bàn thờ và sắp xếp bài vị, các đồ vật về vị trí ban đầu.
  • Đối với bát hương, chúng ta đổ tro cát mới vào trong bát, sau đó lấy chân hương cũ cắm lại trong bát với số lượng ít nhất là 3,5,7 hoặc 9 chân hương.

Sau công đoạn lau dọn, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các bước để trang trí bàn thờ.

Trang trí bàn thờ gia tiên

Ngoài các đồ thờ lâu ngày, trong dịp Tết chúng ta sẽ trang hoàng bàn thờ bằng cách bổ sung nhiều đồ dùng để cúng như mâm ngũ quả, hoa tươi, trầu cau, bánh chưng, rượu, … Một số gia đình có phong tục mua câu đối đỏ để dán lên bàn thờ với mong muốn có một năm mới an khang, thịnh vượng, bình an và may mắn. Trang trí bàn thờ gia tiên chính là trang trí mâm ngũ quả, bình hoa hoặc bày biện những vật phẩm trên một cách hài hòa và đẹp mắt nhất.

cách trang trí bàn thờ gia tiên đẹp

 

Ngũ quả tượng trưng cho 5 yếu tố trong ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Nó là biểu hiện của sự hòa hợp âm dương, của mong muốn “ngũ phúc lâm môn” mà tất cả chúng ta đều hướng đến. Bởi vậy, chuẩn bị mâm ngũ quả là điều rất cần thiết vào mỗi dịp Tết.

Trái cây trong mâm ngũ quả có thể khác nhau theo mỗi vùng miền, tuy nhiên chúng đều đảm bảo được các yếu tố đó là tươi ngon và đẹp mắt nhất. Các loại quả thường được sử dụng đó là Chuối, Bưởi, Phật thủ, Xoài, Mãng Cầu, Đu Đủ, Dừa, Cam, Quýt, …

Bình hoa

Khi sắp mâm ngũ quả, gia chủ cần chọn những loại quả có màu sắc hài hòa, bày biện gọn gàng lên mâm sao cho đẹp mắt và chắc chắn nhất. Không để các loại trái cây bị kênh, rơi rớt ra ngoài trong thời gian thờ cúng.

cách trang trí bàn thờ gia tiên đẹp

Hoa tươi cũng là vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên vào mỗi dịp Tết. Hoa tươi giúp không gian thờ cúng thêm phần hài hòa và đẹp mắt. Dâng hoa tươi cũng là một cách để thể hiện lòng hiếu kính đối với tổ tiên.

Khi dâng hoa tươi lên bàn thờ, chúng ta cũng cần lưu ý về những loài hoa nên và không nên thờ cúng. Các loài hoa có màu sắc nhã nhặn, hương thơm nhẹ nhàng thường được dùng như: Hoa Cúc vàng, hoa Huệ trắng, hoa Sen, hoa Đồng tiền, …

Các loài hoa có mùi thơm nồng không nên chưng trên bàn thờ vì sẽ ảnh huởng đến sự thanh tịnh của không gian thờ cúng như: hoa Ly, hoa Cúc vạn thọ, hoa Nhài, hoa Sứ, ….

Các vật phẩm khác

Các vật phẩm khác như bánh kẹo, rượu, bia, đồ giấy… khi chưng trên bàn thờ chúng ta nên lưu ý về cách bài trí sao cho gọn gàng và hợp lý. Nên sắp xếp theo từng chủng loại, đảm bảo tính thẩm mỹ và không che khuất các vật dụng khác ở phía sau.

Đối với những gia đình có câu đối đỏ thì có thể dán 2 bên bàn thờ vừa tạo điểm nhấn, vừa mang ý nghĩa của tài lộc vẹn toàn.

Những lưu ý khi trang trí bàn thờ gia tiên

Để không mạo phạm Thần linh và Tổ tiên, khi trang trí hay vệ sinh bàn thờ gia tiên, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau;

  • Người lau dọn bàn thờ gia tiên: Trước đây việc này sẽ dành cho những người đàn ông trong gia đình, tuy nhiên ngày nay, mỗi chúng ta đều có thể làm việc đó. Khi lau dọn bàn thờ phải mặc trang phục chỉn chu và lịch sự để đảm bảo tính trang nghiêm và tôn trọng người đã khuất.
  • Chúng ta cần sử dụng nước ấm để lau bài vị
  • Lau dọn bàn thờ Phật/Thần linh trước rồi mới đến bàn thờ gia tiên.

Trên đây là những cách trang trí bàn thờ gia tiên đẹp trong dịp Tết. Hy vọng với những thông tin này, công việc sửa soạn Tết của bạn sẽ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Chúc các bạn thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *