Ngày cưới là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi chàng trai, cô gái. Đây là ngày mà các cặp đôi thông báo với gia đình, bạn bè hai bên để về chung một nhà, bắt đầu chặng đường mới. Trong ngày trọng đại này, có một phong tục tâm linh không thể bỏ qua được, đó là thắp hương báo cáo với tổ tiên, để gia tiên tiền tổ đón nhận thành viên mới của gia đình/dòng họ.
Mâm ngũ quả là vật phẩm dâng lên bàn thờ gia tiên trong nghi lễ này để chứng giám lòng thành, để không gian thờ cúng thêm phần uy nghiêm và trang trọng. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu tới các bạn mâm trái cây chưng bàn thờ ngày cưới và ý nghĩa sâu xa của chúng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Ý nghĩa của mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là vật phẩm dâng lên bàn thờ gia tiên trong những dịp đặc biệt như Lễ, Tết, Cưới hỏi, … để hể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành. Hẳn là chúng ta sẽ thắc mắc tại sao lại là ngũ quả chứ không phải là một con số khác, vậy thì hãy cùng khám phá ý nghĩa của ngũ quả nhé.
Ngũ là số 5, theo phong thủy ngũ hành, 5 yếu tố ban đầu của mọi vật chất trên Trái Đất gồm có Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mâm ngũ quả ra đời dựa trên các yếu tố này, tượng trưng cho sự hòa hợp của âm dương, sự xoay vần của vũ trụ.
Bên cạnh đó, con số 5 cũng biểu hiện cho mong muốn “ngũ phúc lâm môn” của đại đa số người Việt, đó là: Trường Thọ, Phú Quý, Khang Ninh, Hảo Đức và Thiện Chung.
Khi chuẩn bị mâm ngủ quả, chúng ta cần chọn đúng 5 loại, không được thiếu cũng không được thừa. 5 loại quả đó cần được lựa chọn với 5 màu sắc tương ứng với các yếu tố ngũ hành bao gồm: Màu xanh của hành Mộc, màu vàng của hành Kim, màu đen/xanh lục của hành Thủy, màu đỏ của hành Hỏa và màu vàng sẫm hoặc nâu của hành Thổ.
5 loại trái cây chưng bàn thờ ngày cưới
Khi chọn trái cây chưng bàn thờ ngày cưới, mỗi vùng miền sẽ có sự lựa chọn khác nhau tùy thuộc vào văn hóa và truyền thống của vùng miền đó. Ở đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về mâm ngũ quả của 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Mâm ngũ quả của miền Bắc
Con người miền Bắc nổi tiếng bởi sự chỉn chu và cẩn thận, đặc biệt là trong việc chuẩn bị đồ thờ cúng. Vào trước ngày cưới, những người phụ nữ trong gia đình sẽ đi chợ từ sớm, chọn những trái cây tươi ngon và đẹp mắt nhất để bày biện mâm ngũ quả dâng lên tổ tiên.
Chuối và Bưởi là 2 loại trái cây không thể thiếu trong mâm ngũ quả của người miền Bắc. 3 loại quả còn lại có thể lựa chọn linh hoạt như Táo, Lê, Đào, Cam, Xoài, …
Khi bài trí, nải Chuối sẽ được bày ở dưới cùng, phía trên nải Chuối bày quả Bưởi. Những loại trái cây khác được xếp xung quanh một cách gọn gàng và đẹp mắt.
Mâm ngũ quả của miền Trung
Đối với miền Trung, mâm ngũ quả được lựa chọn linh hoạt theo mùa vụ, và là những loại quả có sẵn tại địa phương. Người miền Trung chân chất, bởi vậy mâm ngũ quả cũng không cầu kỳ, tuy nhiên phải là những quả tươi ngon và đẹp mắt nhất.
Mâm ngũ quả của người miền Trung thường có các loại trái cây như: Thanh Long, Cam, Xoài, Ổi, Táo, Dứa, …. Các loại trái cây được bài trí đảm bảo tính thẩm mỹ và gọn gàng, không theo quy luật nào cụ thể.
Mâm ngũ quả của người miền Nam
Khác với miền Trung, người miền Nam thường có sự kén chọn và cầu kỳ hơn khi chọn mâm ngũ quả trong ngày cưới. Họ sẽ chọn lựa trái cây theo ý nghĩa và tên gọi của chúng.
Mâm ngũ quả của miền Nam thường có các loại trái cây mang ý nghĩa của sự sum vầy và sung túc như: Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, Xoài, Táo, Nho, …
Người miền Nam có cách bài trí mâm ngũ quả cầu kỳ và đặc biệt hơn các vùng miền khác. Trái cây thường được kết lại theo hình tháp, hoặc tạo hình Rồng Phượng bắt mắt để chưng lên bàn thờ trong ngày cưới.
Chuẩn bị bàn thờ gia tiên ngày cưới
Trong ngày cưới, bàn thờ gia tên cũng cần được chuẩn bị kỹ càng để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính, để cầu mong gia tiên phù trợ cho đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc dài lâu. Ngoài mâm ngũ quả, chúng ta cần chuẩn bị thêm những vật phẩm sau:
- Hoa tươi: Chúng ta có thể chọn hoa tươi linh hoạt theo sở thích và theo mùa vụ. Các loài hoa thường được dùng đó là hoa Hồng, hoa Huệ, hoa Ly, hoa Sen, ….
- Nhang, đèn hoặc nến: Đèn hoặc nến luôn được thắp lên trong quá trình làm lễ. Cô dâu chú rể dâng hương lên gia tiên trong sự chứng kiến và chúc phúc của hai họ.
- Lư đồng, chân đèn, bát nhang (Bộ tam sư): Bộ tam sư cần được đặt ở vị trí trung tâm và trang trọng trên bàn thờ.
- Chữ Hỷ và câu đối đỏ: Đây là 2 vật phẩm quen thuộc trong mỗi đám cưới. Chữ Hỷ được dán trên bàn thờ gia tiên, 2 bên là câu đối đỏ với những lời chúc ý nghĩa như “Trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê, …”
- Phông nền trang trí: Tùy theo thiết kế của ngôi nhà mà gia chủ có thể chọn phông nền trang trí hay không. Phông nền thường chọn những tone màu dễ thương, bắt mắt làm nổi bật lên không gian làm lễ.
Một ngày quan trọng như ngày cưới thì chắc chắn chúng ta phải chuẩn bị mọi thứ một cách thật trang trọng và tươm tất nhất. 5 loại trái cây chưng bàn thờ ngày cưới là một trong những lưu ý quan trọng của mỗi gia đình trong ngày trọng đại này. Bởi vì mọi điều chỉn chu thì công việc sẽ suôn sẻ, hạnh phúc sẽ ngập tràn.